Chân dung Nguyễn Trãi do họa sĩ P. D TVE vẽ, 1917
Hiệu là Ức Trai; là một anh hùng dân tộc, nhà chính trị - quân sự. Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới. Ông sinh tại làng Nhị Khê (nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây); quê gốc Chí Linh (Hải Dương).
Nguyễn Trãi đỗ thái học sinh (tiến sĩ, 1400), làm quan nhà Hồ (1400-1407). Tham gia khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống Minh (1418-1427), dâng "Bình Ngô sách" (kế sách đánh giặc), trở thành quân sư nổi tiếng, giúp Lê Lợi xây dựng đường lối chính trị, quân sự đúng đắn cho khởi nghĩa và chiến tranh, coi dân như nước "nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền...", kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ("lấy đại nghĩa thắng hung tàn", "lấy chí nhân thay cường bạo"), chủ trương thu phục lòng người ("tâm công"), góp phần quan trọng dụ hàng nhiều tướng giặc (Phương Chính, Sơn Thọ, Thái Phúc, Trần Trí...).
Sau thắng lợi, Nguyễn Trãi được phong tước Phục Hầu và được ban quốc tính (mang họ vua), chức nhập nội hành khiển kiêm thượng thư Bộ lại. Do gian thần gièm pha nên bị bắt giam (1430), sau được tha (1432). Cuối những năm 30 về ẩn dật ở Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương). Năm 1439, ông được phục hồi chức tước.
Ngày 19/9/1442, Nguyễn Trãi bị kết tội và bị chu di tam tộc do bị nghi oan có liên quan đến cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tông. Năm 1464, Nguyễn Trãi được Lê Thánh Tông minh oan và truy phong tước Tế Văn Hầu.
Nguyễn Trãi là tác giả nhiều tác phẩm: "Bình Ngô sách", "Quân trung từ mệnh tập", "Bình Ngô đại cáo", "Lam sơn thực lục", "Dư địa chí", "Quốc âm thi tập", "Luật thư"...
Năm 1980, ông được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.