Cổ lâu thuyền, loại thuyền chiến nhiều tầng, có nhiều tay chèo và trang bị nhiều súng thần công
Quân đội Hồ là lực lượng vũ trang của nhà nước phong kiến Việt Nam triều đại Hồ (1400-1407). Thực chất là quân đội Trần (đã được cải cách khá mạnh mẽ trong khoảng 30 năm cuối thời Trần theo ý định của Hồ Quý Ly - người nắm hầu hết quyền bính thời kì đó) chuyển thuộc một cách tự nhiên khi Hồ Quý Ly bức vua Trần Thiếu Đế nhường ngôi để lập nên nhà Hồ (tháng 3/1400).
Cùng với những cải cách mạnh bạo về kinh tế (hạn điền, phát hành tiền giấy...), xã hội (hạn nô, đặt cơ quan y tế...), văn hóa (chấn chỉnh chế độ thi cử, phát triển chữ nôm...), nhà Hồ tăng cường khả năng phòng thủ đất nước (cho đóng cọc gỗ ở một số cửa biển và những nơi xung yếu trên Sông Hồng, xây dựng thành Đa Bang...), chủ trương xây dựng quân đội vững mạnh (Hồ Quý Ly mong "có 100 vạn quân để chống giặc Bắc") nhằm đề phòng nạn ngoại xâm và nội chiến.
Quân đội Hồ bao gồm quân triều đình và hương quân (không tổ chức quân vương hầu như các thời Trần, Lý, Tiền Lê).
Quân triều đình đóng ở kinh đô và các lộ, được biên chế thành quân, vệ, đội. Tùy theo tính chất nhiệm vụ, mỗi quân có thể gồm 4 vệ (như quân Điện hậu đông, quân Điện hậu tây), 6 vệ (như quân Nam ban, quân Bắc ban), mỗi vệ gồm 18 đội, mỗi đội 18 người; hoặc gồm 20 đội (như Trung quân), 30 đội (như Đại quân). Sau khi đăng kí nhân khẩu từ 2 tuổi trở lên và phân loại số dân đinh 15-60 tuổi trong cả nước (1401), quân triều đình được bổ sung, đưa tổng quân số lên tới trên 200.000 người (1402). Quân triều đình được chia thành quân bộ và quân thủy. Đã từng bước chuyên hóa chức năng hai loại quân (đặt các chức thủy quân đô tướng, bộ quân đô tướng), nhưng nhìn chung Quân đội Hồ vẫn là quân đội hỗn hợp thủy - bộ, trong đó quân thủy là lực lượng vừa bảo đảm cơ động (chủ yếu bằng thuyền) vừa tác chiến thủy - bộ.
Hương quân còn gọi hương binh, đóng ở các làng xã, do điều kiện thực tế có nhiều trở ngại nên việc tổ chức chưa được chặt chẽ (triều đình lấy người có quan tước tạm trông coi). Quân đội Hồ được trang bị cung nỏ, gươm, giáo...; riêng quân thủy được trang bị một số thuyền chiến lớn lấy danh nghĩa là tàu chở lương thực, như "trung tàu tải lương", "cổ lâu thuyền tải lương" (hai loại thuyền này được liên kết các bộ phận bằng đinh sắt; tầng trên có đường sàn để đi lại và chiến đấu, tầng dưới có khoảng vài chục mái chèo, mỗi mái có hai người chèo). Một số thuyền có gắn súng thần cơ.
Nhà nước lập bốn kho vũ khí, kén chọn thợ giỏi để sản xuất chiến cụ cung cấp cho quân đội. Quân đội Hồ giành thắng lợi trong hoạt động quân sự ở phía nam (1402). Từ năm 1406 suy yếu nhanh, sau đó thất bại và tan rã trước sức tiến công của quân xâm lược Minh tháng 5/1407.