<p>Bảo vệ độc lập dân tộc, 939 - 1427</p>
Năm 939, Ngô Quyền xưng vương mở đầu thời kỳ độc lập dân tộc. Trải qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần... nối tiếp nhau xây nền độc lập.
Thời kỳ này, nước Đại Việt liên tục phải chống lại sự xâm lược của phong kiến phương Bắc. Các cuộc kháng chiến chống Tống (981-1077), Mông-Nguyên (1258-1288), Minh (1406-1427) giành những thắng lợi vang dội.
<p>Nhà Trần</p>
Nhà Trần (1226-1400)
Nhà Trần là một triều đại quân chủ cai trị nước Đại Việt từ năm 1226 đến năm 1400. Đây là triều đại được lưu danh với những chiến công hiển hách trong lịch sử Việt Nam.
Triều đại này khởi đầu khi Trần Cảnh lên ngôi vào năm 1226 sau khi được vợ là Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi.
Những năm đầu tiên, Trần Cảnh còn nhỏ tuổi, toàn bộ quyền hành của nhà Trần đều do một tông thất vai chú của Trần Cảnh là Trần Thủ Độ nắm quyền, chính Trần Thủ Độ đã âm thầm ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho cháu mình.
<p>Quân đội nhà Trần</p>
Thủy quân nhà Trần trên thuyền Đỉnh ném hỏa pháo lên thuyền quân Nguyên trong trận Bạch Đằng vào năm 1288
Lực lượng vũ trang của nhà nước phong kiến Việt Nam triều đại Trần (1226-1400). Ban đầu là quân đội Lý chuyển thuộc một cách tự nhiên khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi vua cho chồng là Trần Cảnh lập nên nhà Trần (1/1226). Để đối phó với tình hình nhiễu loạn trong nước (có từ cuối thời Lý) và mối đe dọa xâm lược của đế quốc Mông Cổ (từ 1271 đổi quốc hiệu là Nguyên), nhà Trần đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang.
Quân đội Trần được cải cách nhanh chóng và kiên quyết: hầu hết tướng lĩnh thời Lý bị loại bỏ, thay bằng các tướng lĩnh là tôn thất nhà Trần; hầu hết binh sĩ cấm quân thời Lý được thay thế bằng những đinh tráng đồng hương, thân thuộc nhà Trần; tăng số lượng quân thường trực và khả năng huy động khi có chiến tranh; từng bước hoàn thiện cơ cấu tổ chức, biên chế, nâng cao chất lượng; chú trọng nghiên cứu, phát triển lý luận quân sự và kỹ thuật quân sự.
Cũng như thời Lý, quân đội Trần tổ chức theo nguyên tắc thân quân (đối với lực lượng thường trực chuyên nghiệp) và sương quân (đối với lực lượng bán chuyên nghiệp), nhưng có nhiều thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Lực lượng thường trực chuyên nghiệp bao gồm: quân cấm vệ, quân các lộ, quân vương hầu.
Quân cấm vệ được xây dựng theo hướng chính quy, vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vua, triều đình, kinh thành (ở Thăng Long) và thái thượng hoàng (ở Thiên Trường, Long Hưng), vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Bộ phận trực tiếp bảo vệ vua, triều đình, kinh đô và thái thượng hoàng được tuyển chọn rất chặt chẽ từ những đinh tráng khỏe mạnh nhất, biết võ nghệ ở quê hương họ Trần (lộ Thiên Trường) và một số địa phương có công giúp họ Trần (các lộ Long Hưng, Hồng, Khoái, Trường Yên, Kiến Xương). Bộ phận còn lại gọi là du quân, đóng ở ngoài thành, được tuyển chọn từ những đinh tráng khỏe mạnh ở một số địa phương khác.
Trong những năm đầu, quân cấm vệ được biên chế thành 6 quân (Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh, Thánh Dực, Thần Sách, Củng Thần), mỗi quân gồm 2 vệ (tả, hữu). Từ 1267 biên chế thành quân và đô (mỗi quân 30 đô, mỗi đô 80 người). Tới đời Phế Đế (1377-1388) quân cấm vệ được biên chế thành khoảng 20 quân (Thiên Đinh, Thiên Uy, Thiên Trường, Thánh Dực, Thị Vệ, Thần Dực, Thần Sách, Thần Vũ, Thần Khôi, Thần Dũng, Bảo Tiệp, Long Tiệp, Hoa Ngạch, Thiết Sang, Thiết Giáp, Thiết Liêm, Thiết Hổ, Ô Đồ...) và 5 đô độc lập (Chân Thượng, Chân Kim, Toàn Kim Cương, Thủy Dạ Xoa, Phù Liễn).
Quân cấm vệ thuộc quyền quản lãnh của thượng thư sảnh do đại hành khiển đứng đầu, từ 1342 về sau thuộc quyền quản lãnh của Khu mật viện do hành khiển tri khu mật viện sự đứng đầu. Chỉ huy mỗi quân, vệ là một võ tướng, mỗi đô là một chánh (phó) đại đội. Ở quân và đô còn có một số chức quan nhỏ giúp việc sổ sách, cấp phát lương, lộc và chữa bệnh. Quân cấm vệ giữ lệ cũ, thích trên trán ba chữ "Thiên tử quân", từ 1323 bỏ lệ này, chỉ riêng binh sĩ các đô cấm vệ độc lập thích trên trán quân hiệu của mình (Chân Thượng, Chân Kim...).
Quân các lộ là bước phát triển mới trong quân đội Trần (quân đội Lý không có), có nhiệm vụ bảo vệ địa phương và là công cụ quyền lực của bộ máy nhà nước ở lộ (cả nước có 12 lộ). Mỗi lộ tổ chức 1 quân và 20 đô phong đoàn để giữ gìn an ninh và bắt trộm cướp. Riêng lộ Sơn Nam có 4 quân, lộ Hải Đông có 2 quân (do vị trí địa lí quan trọng). Chỉ huy quân một lộ là tổng quản.
Quân vương hầu phát triển mạnh, chiếm tỉ lệ cao trong quân đội Trần. Nếu như thời Lý, mỗi vương hầu chỉ được phép tổ chức một đội quân riêng khoảng 500 người thì thời Trần, mỗi vương hầu được phép tuyển mộ đến 1.000 quân (theo quy chế của triều đình 1254). Lực lượng bán chuyên nghiệp trong quân đội Trần là sương quân, được tổ chức ở kinh đô và địa phương, biên chế thành đô (đô 10 ngũ, ngũ 5-8 người). Loại quân này cứ sau mỗi kỳ hạn phục dịch và canh gác vòng ngoài các cổng thành được luân phiên về gia đình làm ruộng để tự túc.
Nhà Trần xây dựng lực lượng vũ trang theo chính sách ngụ binh ư nông (kết hợp nghĩa vụ binh dịch của đinh tráng với chế độ thay phiên nhau về sản xuất của sương quân). Để có thể bổ sung quân số cho quân đội được nhanh, việc đăng kí đinh tráng được mở rộng đến Thanh Hóa, Nghệ An và một số vùng ngoại vi đồng bằng Bắc Bộ. Đinh tráng được chia thành ba hạng: thượng (nhất), trung (nhì), hạ (ba) và tùy tính chất quan trọng của đơn vị và loại quân mà bổ sung (hạng nhất là người quê hương, thân thuộc nhà Trần, để bổ sung cho các đơn vị có quân hiệu Thiên, Thánh, Thần; hạng nhì sung vào quân các lộ; hạng ba sung vào quân chèo thuyền, khiêng vác...).
Quân đội Trần được triều đình chú trọng nâng cao chất lượng theo hướng "binh quý hồ tinh, bất quý hồ đa" (quân ít nhưng tinh nhuệ). Năm1253, lập Giảng Võ đường để huấn luyện tướng lĩnh, thực hành binh pháp, luyện tập võ nghệ và thường xuyên duyệt đội ngũ. Trước khi có chiến sự, các loại quân được triệu tập về một nơi quy định (thường là bãi phù sa ngã ba Bạch Hạc và khúc Sông Hồng nơi bến Đông Bộ Đầu) để tổng duyệt và để thống nhất quân lệnh, cách đánh, hiệp đồng...
Lý luận quân sự cũng được coi trọng, binh thư được phổ biến rộng rãi và có hệ thống trong toàn quân; về kỹ thuật quân sự, quân đội Trần đã chế tạo và đưa vào trang bị hàng nghìn thuyền chiến, phổ biến là loại thuyền 30 tay chèo và 25 lính chiến đấu, dài khoảng 20m, rộng khoảng 3m. Thuyền chiến được phân thành ba loại: đại chiến thuyền (như thuyền lầu, thuyền chở quân đổ bộ...), trung thuyền (như thuyền đối thủy), khinh thuyền (như thuyền liên lạc). Đặc biệt, 1390 đã xuất hiện loại hỏa khí hình ống (tương tự hỏa đồng, hỏa tiễn các thời sau) với tư cách là vũ khí trên thuyền. Do phát triển về kỹ thuật quân sự, do yêu cầu và đối tượng tác chiến, đã có xu hướng chuyên hóa quân bộ, quân thủy. Một số đơn vị chuyên đánh bộ ở miền Tây (như các đơn vị do Phạm Ngũ Lão chỉ huy), một vài đơn vị quân thủy độc lập hình thành (1349 lập quân Bình Hải ở trấn Vân Đồn, do Trần Khánh Dư chỉ huy), nhưng nhìn chung quân đội Trần vẫn là một quân đội hỗn hợp thủy - bộ, việc cơ động chủ yếu bằng thuyền. Quân số cao nhất khoảng 300.000 người (1284), trang bị chủ yếu là cung nỏ, gươm, giáo, lao, mộc.
Quân đội Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc tổ quốc. Từ đời vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) suy yếu dần và chuyển thuộc nhà Hồ (3/1400).
Quân của các vương hầu
Lần đầu tiên trong lịch sử đã thực hiện chế độ đăng ký đinh tráng
Lực lượng thuỷ binh phát triển mạnh
Quay lại
Quân của các vương hầu
Từ năm Thiệu Long thứ 9 (1266), tôn thất nhà Trần gồm các vương hầu, công chúa, phò mã, cung tần tiền triều được cử đi thu nạp dân tứ tán đi khai khẩn đất hoang, từ đó tạo dựng thái ấp riêng. Trên cơ sở độc lập về kinh tế, họ đã xây dựng tư binh riêng theo đúng chính sách ngụ binh ư nông, mặc dù số lượng gia binh của quý tộc luôn rất hạn chế. Gia nô quân được chia làm hai dạng gồm sương quân (do các đại gia tộc hay quan lại quyền thế không thuộc hoàng thất, cai quản) và vương hầu quân, tư binh của các vương tôn, quý tộc thuộc hoàng thất. Mục đích của sự phân định này là nhằm xác định thứ tự ưu tiên để triều đình có kế hoạch hỗ trợ quân phí, quân trang trong thời chiến. Theo đó, vương hầu quân sẽ được ưu tiên viện trợ trước, sau đó mới đến sương quân.
Quân Vương hầu dưới thời nhà Trần phát triển mạnh, triều đình cho phép mỗi vương hầu được tổ chức một đội quân riêng lên tới 1000 người (theo quy chế do triều đình ban hành năm 1254, gấp đôi quân số nhà Lý)
Sương quân (còn gọi là quân Tứ sương là lực lượng bán chuyên nghiệp) được tổ chức ở kinh đô và các địa phương trong cả nước, hệ thống biên chế tổ chức trong các đơn vị Sương quân gồm có các đô, mỗi đô biên chế 10 ngũ, mỗi ngũ có số lính từ 5-8 người. Quân lính biên chế trong lực lượng này sau mỗi thời hạn làm nhiệm vụ canh gác vòng ngoài thành hoặc phục dịch được luân phiên trả về các gia đình để làm ruộng tự túc, khi cần lại gọi vào quân ngũ, như chính sách “ngụ binh ư nông” dưới thời Lý (kết hợp nghĩa vụ binh dịch với sản xuất tự túc của các đinh tráng, khi cần nhà nước phong kiến lại huy động bổ sung vào các sắc lính).
Số lượng tư binh của các quý tộc thay đổi theo từng thời kỳ. Khi chiến tranh với ngoại bang nổ ra, vua Trần sẽ ra chiếu lệnh cho phép các quý tộc tăng cường chiêu binh mãi mã, gia tăng nhanh tổng quân số nhà Trần. Nhưng khi thời bình, số tư binh toàn quốc lại bị hạn chế để đảm bảo quân triều đình có sức răn đe lớn và khiến giới quý tộc không tùy tiện nuôi quân để tránh những nghi kị trong triều.
Quay lại
Lần đầu tiên trong lịch sử đã thực hiện chế độ đăng ký đinh tráng
Nhà Trần lần đầu tiên trong lịch sử đã thực hiện chế độ đăng ký đinh tráng (như một kiểu đăng ký nghĩa vụ quân sự ngày nay) cho tất cả các đinh tráng, để khi có chiến sự sẵn sàng huy động được nhanh nhất lực lượng bổ sung cho quân đội.
Đại Việt thời Trần lập sổ Đinh, trong đó ghi rõ Đinh Nam, Đinh Nữ. Sổ Đinh Nam lại cập nhật số lượng Tiểu Hoàng Nam và Đại Hoàng Nam cũng như Lão và Long Lão theo từng năm. Trong đó, Đại Hoàng Nam đều phải tham gia Lộ quân, tiếp nhận huấn luyện quân sự. Cũng vì Lộ quân tự cung tự cấp nên không giới hạn quân số, Đại Hoàng Nam khi tham gia huấn luyện đều phải tự chuẩn bị lương thực. Nếu không có sẽ được quan phủ cho vay, sau nếu không trả sẽ sung làm quan nô, phần lớn quan nô đều đày tới biên ải gia nhập Biên quân.
Đăng ký đinh tráng theo ba hạng: thượng, trung, hạ (tương đương như nhất, nhì, ba) và tùy theo tính chất của mỗi đơn vị và loại quân mà gọi bổ sung. Ví dụ như hạng thượng (nhất) gồm những đinh tráng là người thuộc dòng dõi họ Trần ở quê hương, được gọi bổ sung cho các đơn vị Cấm quân mang phiên hiệu Thiên, Thánh, Thần; đinh tráng đăng ký ở hạng trung (nhì) bổ sung cho các đơn vị thuộc đội quân các lộ, còn đinh tráng đăng ký ở hạng hạ (ba) gọi sung vào quân các đơn vị làm nhiệm vụ bảo đảm hay phục vụ như chèo thuyền, khuân vác…
Quay lại
Lực lượng thuỷ binh phát triển mạnh
Sang đến thời Trần (thế kỷ XIII, XIV) thì việc tổ chức quân thủy đã có xu hướng chuyên nghiệp hóa, thể hiện rõ ở phương tiện tổ chức và biên chế. Một trong những sở trường và ưu thế của quân đội nhà Trần là thủy quân. Từ năm 1246, nhà Trần đã có lệ tuyển chọn lính chèo thuyền thành một ngạch riêng (gọi là Trạo nhi), đội quân này góp phần to lớn và vai trò quan trọng trong các trận thủy chiến của quân đội. Sách “Binh thư yêu lược”, mô tả: “Tính mạng của cả một thuyền quan hệ ở tay người lái”. Cho nên phải lựa chọn những người có tuổi, giỏi xem chiều gió, am hiểu thế nước, mà sung vào. Lại đặt cấp phó để phòng sự sơ hở. Lương cho khá, có công thưởng thêm”.
Xuất hiện thêm một số đơn vị quân thủy độc lập, đặc biệt xuất phát từ nhu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo: “Quân thủy lộ Đông Hải”, và đơn vị “Quân Bình Hải”, đồn trú ở Vân Đồn, Quảng Ninh.
Lần đầu tiên, trong bộ máy quan chức triều đình, đặt riêng một chức “Thủy quân Đại tướng quân”, trao cho danh tướng Lê Tần- người anh hùng của trận Lệ Bình Nguyên năm 1258, từng có công bóc cả tấm sạp thuyền, làm chiếc lá chắn khổng lồ, che đỡ cho vua Trần Thái Tông thoát nạn bắn tên độc truy sát của kỵ binh Mông Cổ.
Các cuộc tập trận và di chuyển quân trong các cuộc kháng chiến hồi thế kỷ XIII chủ yếu diễn ra trên sông, trên biển. Những chiếc thuyền nổi tiếng của quân đội thời Trần mang các tên như: Kim Phượng, Nhật Quang, Nguyệt Quang,… là uy lực của Đại Việt và nỗi khiếp sợ của lân bang. Các chiến thuyền Đại Việt ở thời Trần với số lượng rất đông, theo ghi chép của sứ giả nhà Nguyên là Trần Phu, thì vẫn phổ biến là loại thuyền có 30 mái chèo, nhưng cũng nói: Đã tận mắt chứng kiến những chiến thuyền có tới 100 tay chèo!
Vũ khí thời nhà Trần
Bảo tàng Lịch Sử Quốc Gia vẫn còn lưu lại một cái bình trà hình con voi có quản tượng ngồi trên
Voi trên thạp gốm đời Trần
<p>Kỵ binh</p>
<p>Đao và kiếm</p>
<p>Câu liêm</p>
Câu liêm
<p>Khiên</p>
<p>Khiên</p>
<p>Nỏ thuốc độc</p>
Đầu mũi lao
<p>Giáo và khiên</p>
Quay lại
Voi trên thạp gốm đời Trần
Quay lại
<p>Kỵ binh</p>
Thạp gốm đời Trần, vẽ cảnh người cưỡi ngựa
Lịch sử không miêu tả rõ hơn về trang bị giáp trụ lẫn vũ khí mà kỵ binh thời này sử dụng. Nó cũng không miêu tả quy mô kỵ binh đời Trần chi tiết như thế nào.
Quay lại
<p>Đao và kiếm</p>
Tranh: Trúc Lâm Đại Sĩ Xuất Sơn Đồ có lẽ là bằng chứng rõ ràng nhất về sự xuất hiện của đao kiếm đời Trần. Trong tranh có vẽ các thị vệ cầm đao đang đứng hầu. Cây đao trong tranh là loại đao cong.
Theo người Việt thường hình dung:
- Kiếm là thứ vũ khí cán ngắn, thân kiếm thanh mảnh, mũi nhọn, lưỡi có thể dài hoặc cong, thường dùng để đâm hoặc chém.
- Đao được xem là tương tự kiếm nhưng thân thường to bản và có lưỡi cong, chủ yếu dùng để chém.
Quay lại
<p>Câu liêm</p>
Theo sách Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh, người ta cũng đã khai quật được một lưỡi câu liêm đời Trần
Quay lại
Câu liêm
Là loại vũ khí có cán dài, lưỡi quắm, dùng để móc hoặc cắt dây leo.
Trong trận Bạch Đằng (1288), tướng Nguyên là Phàn Tiếp bị thương nhảy xuống nước, quân ta dùng câu liêm móc lên bắt sống
Quay lại
<p>Khiên</p>
Theo sách Lịch Sử Việt Nam Bằng Tranh, người ta đã khai quật được một cái khiên gỗ dài tới 1 mét
Quay lại
<p>Khiên</p>
Một chiếc thạp đời Trần khác, miêu tả người chiến binh sử dụng khiên
Như trên đã nói, thạp sứ đời Trần có hình ảnh mô tả binh sỉ sử dụng khiên và giáo.
Trong An Nam Tức Sự, sứ giả Trần Phu miêu tả về các vương hầu như sau: “ Nắm việc nước có hai người, chú của vua là Thái sư Trần Quang Khải và em là Thái úy Trần Đức Diệp. Việc nước lớn nhỏ, Khải, Diệp đều nắm giữ. Hễ ngồi kiệu đến dưới cửa điện thì có hai người cầm hai cái mộc, tròn như cái gương, màu xanh, rộng sáu thước, trên mộc vẽ hình Mặt trăng, Mặt trời, sao Bắc đẩu, 28 ngôi sao, ý là để tự phòng vệ vậy.”
Quay lại
<p>Nỏ thuốc độc</p>
Tranh đi săn trên thạp gốm đời Trần. Ở góc phải có xuất hiện một thứ không rõ là cung hay nỏ
Cũng Trần Phu ở trên đã xác nhận trong số các vũ khí của dân binh đời Trần, có một thứ mà ông gọi là dược nỗ-药弩, tức nỏ thuốc độc.
Nguyên Sử cũng xác nhận tướng Nguyên là Lý Hằng đã bị tên độc bắn chết khi tham chiến ở ta trong cuộc xâm lăng lần thứ 2. Nhưng sách không thể xác nhận được mũi tên đó được bắn bằng cung hay nỏ.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1305 viết rằng: “ Bấy giờ có viên độc bạ là Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận, thật thà, giỏi ngề đánh cá,bắn nỏ và chơi cầu. Vua sai dạy thái tử các nghề ấy. …Người đời bắn nỏ, chân đứng cũng như bắn cung, tức là kiểu chữ “đinh” không thành, chữ “bát” không ngay. Cụ thì đứng ngay ngắn mà bắn và bảo mọi người:”Phàm bắn cung thì tay trái giơ ra phía trước nắm lấy thân cung, tay phải kéo dây cung về phía sau, mình đã nghiêng thì chân cũng phải lệch, còn bắn nỏ thì đưa cân bằng ra phía trước, cho nên khi cầm nỏ mà bắn, thân mình ngay ngắn, thì cớ gì chân lại phải đứng lệch?"
Quay lại
Đầu mũi lao
Cũng Trần Phu ở trên đã xác nhận trong số các vũ khí của dân binh đời Trần, có một thứ mà ông gọi là phiêu thương-标枪. Phiêu thương là cách người Trung Quốc…hiện đại dùng để gọi cây lao. Đáng tiếc là ta không dám chắc người đời Nguyên có sử dụng cách gọi đó với cùng một nghĩa hay không
Quay lại
<p>Giáo và khiên</p>
Trên chiếc thạp bằng sứ tráng men thời Trần, ta thấy vẽ hình các chiến binh cầm giáo và khiên đang tập luyện với nhau.
<p>Bản "Hịch tướng sĩ" trong "Dụ chư tỳ tướng hịch văn" - Mộc bản triều Nguyễn thuộc thế kỷ XIX</p>
Bản "Hịch tướng sĩ" được lấy trong "Dụ chư tỳ tướng hịch văn" của Trần Quốc Tuấn viết vào năm 1284.
<p>Ghi chép về Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng - Mộc bản nhà Nguyễn, thế kỷ XIX (Bản dập)</p>
<p>Danh tướng Trần Bình Trọng, khắc trên cửa gỗ tại đền Cố Trạch, khu di tích Đền Trần, tỉnh Nam Định, thế kỷ 16</p>
<p>Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải khắc trên cửa gỗ Đền Cố Trạch, khu di tích đền Trần, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVI</p>
Quay lại
<p>Danh tướng Trần Bình Trọng, khắc trên cửa gỗ tại đền Cố Trạch, khu di tích Đền Trần, tỉnh Nam Định, thế kỷ 16</p>
Quay lại
<p>Thượng tướng Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải khắc trên cửa gỗ Đền Cố Trạch, khu di tích đền Trần, tỉnh Nam Định, thế kỷ XVI</p>