Thời Lý, nhà nước quân chủ trung ương tập quyền được củng cố, phát triển trên nhiều lĩnh vực quan trọng: tổ chức bộ máy hành chính, hoạt động lập pháp, chính sách đối với các dân tộc thiểu số, chính sách ruộng đất, phát triển kinh tế, văn hóa...; việc xây dựng lực lượng vũ trang được coi trọng để chống ngoại xâm là nguy cơ trực tiếp và thường xuyên.
Quân đội Lý thuộc quyền sai khiến của nhà vua; được tổ chức theo nguyên tắc thân quân (với lực lượng thường trực chuyên nghiệp) và sương quân (với lực lượng bán chuyên nghiệp).
Lực lượng thường trực chuyên nghiệp bao gồm quân cấm vệ của triều đình và quân vương hầu của các hoàng tử, thân vương, đại thần ở các lộ, phủ, châu. Quân cấm vệ được tổ chức, biên chế khác nhau tùy theo từng triều vua: dưới triều Lý Thái Tổ (1010-1028), khoảng 3.000 người, gồm 6 quân (Vệ), mỗi quân (vệ) 500 người; dưới triều Lý Thái Tông (1028-1054), khoảng 2.000 người, gồm 10 vệ (Quảng Thánh, Quảng Vũ, Ngự Long, Bổng Nhật, Trừng Hải; đều chia tả, hữu), mỗi vệ 200 người; dưới triều Lý Thánh Tông (1054-1072), khoảng 3.200 người, gồm 16 quân (vệ) (Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, Vạn Tiệp; đều chia tả, hữu); mỗi vệ 200 người... Đứng đầu quân cấm vệ là điện tiền chỉ huy sứ. Tùy theo mức độ tin cậy và tài nghệ, quân cấm vệ lại chia ra quân ngự tiền (bảo vệ nơi vua ở) và quân điện tiền (bảo vệ cấm thành). Các đơn vị quân ngự tiền thường tổ chức thành đô, hỏa; các quân (vệ) khác được chia thành giáp (mỗi giáp 15 người). Binh sĩ thuộc quân cấm vệ đều thích trên trán ba chữ "thiên tử quân". Quân vương hầu được tổ chức theo quy định của triều đình (mỗi nơi khoảng 500 quân), khi có việc chinh chiến hoặc chiến tranh, được phát triển nhanh về số lượng, theo nguyên tắc thuộc quyền sai khiến của nhà vua.
Lực lượng bán chuyên nghiệp trong quân đội Lý là sương quân (quân ở phủ, châu), được tổ chức ở kinh đô và các địa phương, chủ yếu phục dịch và canh gác vòng ngoài các cổng thành. Loại quân này được luân phiên nhau về làm ruộng để tự túc sau mỗi kì hạn phục dịch, canh gác (thường 1-2 tháng). Nhà Lý xây dựng lực lượng vũ trang theo chính sách ngụ binh ư nông, trong thời bình chỉ duy trì lực lượng thường trực ở mức cần thiết, chú trọng đăng kí, phân hạng dân đinh trong nước; khi cần thiết có thể huy động nhanh một số lượng lớn đinh tráng vào quân đội.
Quân đội Lý có trên 10 vạn quân (1075), đã có xu hướng chuyên hóa dần quân thủy và quân bộ. Quân thủy, quân số trên 5 vạn người (1075), được trang bị nhiều loại thuyền chiến cỡ lớn (thuyền mông đồng, lâu thuyền, thuyền lưỡng phúc) và thuyền vận tải, có khả năng cơ động dài ngày trên biển và thực hiện những trận đánh thủy - bộ lớn. Quân bộ được xây dựng dần theo hướng chính quy, cơ động để đối phó với những đối tượng tác chiến vốn thạo bộ chiến. Việc huấn luyện quân đội cũng được quan tâm (lập Xạ đình - 1170 - để tập bắn cung, cưỡi ngựa, luyện tập trận pháp).
Quân đội Lý được trang bị gươm, giáo, cung nỏ, lao, mộc, và tới 1075 có thêm máy bắn đá. Đã giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Tống lần II (1075-1077), bảo vệ vững chắc tổ quốc trong gần 200 năm. Từ triều vua Lý Cao Tông (1176-1210), quân đội Lý suy yếu dần, tới tháng 1/1226 chuyển thuộc nhà Trần.